Sáng ngày 22/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến thăm và làm việc.
Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh và đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ Khối DNTW…
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh; Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Vũ Trường Sơn và các đồng chí trong HĐTV; Ban Tổng giám đốc; lãnh đạo các Ban chuyên môn và các đơn vị thành viên…
Thay mặt Tập đoàn Dầu khí, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian gần đây. Về sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu sản xuất chính toàn Tập đoàn cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra của quý I/2016. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt 4,56 triệu tấn, vượt 7,2% kế hoạch quý I, sản lượng khai thác khí đạt 2,78 tỉ m3, vượt 11,7% kế hoạch; sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia đạt 5,21 tỉ kWh… Tập đoàn cũng đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 18,6 nghìn tỉ đồng.
Bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, tình hình giá dầu thấp cũng đang ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí.
Trước tình hình trên, Đảng ủy, ban lãnh đạo Tập đoàn đã xây dựng những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp ứng phó với sự biến động của giá dầu. Nhiều đơn vị đã tập trung tối ưu hóa công tác quản lý, sản xuất triệt để tiết kiệm, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, tổ chức đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tranh thủ nắm bắt cơ hội đầu tư, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, tích cực tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường ngoài ngành, ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh cũng trình bày một số khó khăn mà Tập đoàn đang gặp phải, trong đó có cả khách quan và chủ quan, đồng thời kiến nghị lên các bộ, ban, ngành một số vấn đề liên quan đến sự hoạt động của Tập đoàn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi người phải nói thẳng, nói thật, đồng thời nêu ra được những giải pháp cụ thể. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nghe ý kiến của một số đồng chí trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, ý kiến của các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư…
Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những cố gắng hết mức của Tập đoàn, của tập thể người lao động dầu khí, đồng thời hoan nghênh sự có mặt đầy đủ của lãnh đạo các đơn vị. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi. Kết quả hoạt động của Tập đoàn đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hôm nay, tại buổi họp này, chúng ta đã xới lên các vấn đề để hiểu rõ hơn về Tập đoàn Dầu khí và xác định các biện pháp, giải pháp nhằm đưa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong lúc này Đảng ủy, HĐTV, lãnh đạo các đơn vị phải động viên cán bộ, công nhân viên khắc phục khó khăn, tạo ra sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Việc giá dầu suy giảm cũng là cơ hội để chúng ta nhìn thấy những khiếm khuyết, từ đó có những giải pháp quyết liệt nhằm tạo ra sự ổn định trong bộ máy lãnh đạo của từng đơn vị và điều hành một cách có hiệu quả.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu một cách sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Thủ tướng quyết định thành lập tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm tổ trưởng, cùng Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời tìm ra các giải pháp để Tập đoàn phát triển. Trong quý II, tổ công tác phải có báo cáo để Thủ tướng xem xét.
Về các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ nghiên cứu và cũng trong quý II phải có báo cáo về giải quyết, xử lý những vấn đề mà Tập đoàn Dầu khí kiến nghị. Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí phải giữ vững nhịp độ sản xuất, không giảm sản lượng khai thác dầu khí.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Tập đoàn trong thời gian qua, góp phần tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với truyền thống vẻ vang và những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời là một tập đoàn kinh tế có bề dày truyền thống, là đơn vị chủ lực của nền kinh tế quốc gia thì tập thể lãnh đạo và người lao động Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua những khó khăn trước mắt, xây dựng một tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững và xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân.